Lịch sử Uruk

Uruk Cảnh thờ phụng Inanna, bình gốm Warka, k. 3200-3000 TCN, Uruk. Đây là một trong những ví dụ cổ nhất còn tồn tại của truyện kể trên phù điêu.

Theo danh sách vua Sumer, Uruk được thành lập bởi vua Enmerkar. Mặc dù Danh sách vua đề cập đến một vị vua của Eanna trước ông ta, sử thi Enmerkar và Chúa tể Aratta đề cập đến việc Enmerkar xây dựng một ngôi đền vĩ đại (Tiếng Sumer: e 2 -anna; chữ hình nêm: 𒂍𒀭 E 2. AN) cho nữ thần Inanna ở quận Eanna của Uruk. Trong Sử thi Gilgamesh, Gilgamesh là vua của Uruk và là người đã xây dựng bức tường thành bao quanh thành phố.

Uruk đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ thời kỳ Uruk sơ kỳ (4000-3500  TCN) đến thời kỳ Uruk hậu kỳ (3500-3100 TCN).[1] Thành phố được hình thành từ hai khu định cư thời Ubaid nhỏ hơn. Trung tâm thành phố là các khu đền thờ, dần phát triển thành Quận Eanna và Quận Anu mang tên InannaAnu. Quận Anu ban đầu được gọi là 'Kullaba' (Kulab hoặc Unug-Kulaba) trước khi sáp nhập với Quận Eanna. Kullaba có từ thời Eridu, là một trong những thành thị lâu đời nhất và quan trọng nhất của Sumer. Có nhiều cách giải thích khác nhau về mục đích của các ngôi đền. Tuy nhiên, người ta thường tin rằng chúng là biểu tượng cho sự thống nhất của thành phố, thực hiện cả chức năng tôn giáo và chức năng nhà nước. Các văn bản lưu trữ đền thờ còn sót lại từ thời Tân-Babylon cho thấy ngôi đền hoạt động như một trung gian phân phối lại của cải.

Quận Eanna bao gồm một số tòa nhà với không gian để hội họp, được tường bao quanh tách biệt khỏi thành phố. Ngược lại, quận Anu được xây dựng trên một khu đất cao với ngôi đền nằm trên đỉnh. Eanna là ngôi đền phụng sự Inanna xuyên suốt lịch sử của Uruk.[8] Phần còn lại của thành phố ở các quận xung quanh Eanna và Anu bao gồm những ngôi nhà sân vườn điển hình, được phân nhóm theo nghề nghiệp của dân cư. Uruk được quy hoạch hoàn chỉnh với một hệ thống kênh đào sau này được mô tả là "Venice trên sa mạc".[9] Hệ thống kênh đào này tỏa đi khắp thành phố, kết nối nó với thương mại hàng hải trên sông Euphrates cổ đại cũng như vành đai nông nghiệp xung quanh.

Thành Uruk ban đầu nằm ở phía tây nam sông Euphrates cổ đại mà giờ đây đã khô cạn. Hiện nay, quần thể di tích Warka nằm ở phía đông bắc của sông Euphrates hiện đại. Sự thay đổi vị trí xảy ra do sự đổi dòng của sông Euphrates tại một số thời điểm trong lịch sử, nguyên nhân có thể góp phần vào sự suy tàn của Uruk.